Nhân bài viết của tác giả Tôn Thất Thọ đăng trên tạp chí Xưa & Nay số 544 (tháng 10 năm 2022) về việc báo chí thường nhầm ảnh chân dung của Trương Vĩnh Ký, chúng tôi xin phản hồi về trường hợp tấm hình được dùng để minh họa bài viết của chúng tôi đã đăng trên cùng tạp chí, số 514 (tháng 12 năm 2019), đồng thời cũng cung cấp thêm một số tư liệu mà chúng tôi nghĩ là ít được biết đến.
Đây là bài viết của tác giả Trần Thanh Ái, xin trân trọng gửi đến Quý đọc giả.
Về chân dung Trương Vĩnh Ký
Trong bài viết “Đâu là hình chân dung của Trương Vĩnh Ký”, tác giả Tôn Thất Thọ đã khảo sát những tấm ảnh chân dung được cho là của Trương Vĩnh Ký, và đã có một phát hiện thú vị về sự nhầm lẫn thường thấy trên báo chí ngày nay. Trong số các bức hình, tác giả có nhắc đến bài viết của chúng tôi tựa là “Góp phần tìm hiểu Trương Vĩnh Ký” đã được đăng trên tạp chí Xưa & Nay số 514 (tháng 12 năm 2019).
Tìm lại bản gốc đã gửi cho tòa soạn, chúng tôi mới phát hiện ra rằng bài viết đã không sử dụng bất cứ hình ảnh nào để minh họa cả, vì đã quá dài, trong khi Ban Biên tập yêu cầu tối đa 12 trang A4 mà thôi! Nếu tôi không mắc sai sót trong khâu truy tìm thì tôi nghĩ rằng Ban Biên tập của tạp chí đã giúp chúng tôi làm việc ấy, và nhân đây xin chân thành cám ơn Ban Biên tập về việc này.
Tìm kiếm trong các tài liệu về Trương Vĩnh Ký mà chúng tôi đã sưu tầm được thì thấy rằng trong Kỷ yếu Triển lãm và Hội thảo Petrus Trương Vĩnh Ký được xuất bản tại Nam California vào tháng 8 năm 2019 có bài giới thiệu “Thư ông Trương Vĩnh Ký gửi ông Đại biểu Nam Kỳ Blancsubé về việc từ chối vào quốc tịch Pháp”, với phụ đề “Tài liệu được tìm thấy tại Thư Viện, Viện Thông Tin Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, dưới nhan đề Trương Vĩnh Ký.
Lettres relatives à la question de la naturalisation”. Saigon: [s.n.] 1881. (24 tr.) [số hiệu kho là OCTO 11541]. Bài giới thiệu gồm chân dung Trương Vĩnh Ký (được dùng làm hình minh họa trong bài viết trên tạp chí Xưa & Nay số 514), thủ bút bằng tiếng Pháp của Trương Vĩnh Ký gồm 18 trang, bản in lại nguyên văn tiếng Pháp cho dễ đọc, và bản dịch sang tiếng Việt của Nguyễn Bích Thu.
Rất tiếc là Ban Biên tập Kỷ yếu và dịch giả không cho biết hình chụp của Trương Vĩnh Ký có được lưu trữ chung với thủ bút tại Thư viện Viện Thông tin Khoa học Xã hội hay không. Tuy nhiên, cũng cùng bài giới thiệu ấy trên trang Diễn đàn thế kỷ tại địa chỉ https://TayninhOnline.com/but-tich-truong-vinh-ky-qua-buc-thu-1881/, dưới tấm hình Trương Vĩnh Ký còn có dòng chữ rất mờ khó đọc, có lẽ là tên của nhà nhiếp ảnh và đơn vị xuất bản.
Vì thế chúng tôi rất lấy làm tiếc là không thể trả lời thấu đáo cho câu hỏi của tác giả Tôn Thất Thọ được.
Nhân đây cũng xin lưu ý về bài giới thiệu trong Kỷ yếu: thứ nhất, đó không phải là thư từ chối gia nhập quốc tịch Pháp, mà là một bài phân tích mà Trương Vĩnh Ký đã thực hiện để đáp lại yêu cầu của Blancsubé. Trong bài này, ông đã chỉ ra những trở ngại khiến nhiều người An Nam thời bấy giờ không quan tâm đến việc nhập tịch (bạn đọc có thể đọc ở một trong hai địa chỉ nói trên).
Thứ hai, ngoài một số chi tiết bị dịch sai và cách diễn đạt không rõ ràng, dịch giả đã giãi mã sai thủ bút của Trương Vĩnh Ký: câu đầu tiên của thư viết là “À Mr. Blancsubé, député de la Cochinchine, Xbre 1881” trong đó có chữ viết tắt ngày đề thư là “Xbre 1881”, mà dịch giả hiểu là “tháng 10 năm 1881”. Sai sót này cũng khá phổ biến trên sách báo khi xử lý các văn bản xưa.
Thật ra đó là cách người Pháp viết tắt chữ Décembre tức tháng 12 (Gagneraux M.L. 1834, tr. 227), cũng như người Anh viết tắt chữ December là Xber, vì lịch La Mã xưa gọi tháng 12 là tháng thứ 10 (decem trong tiếng la-tinh có nghĩa là con số X, tức 10), do ngày đầu của năm mới được kể từ tháng 3 hàng năm.
Thư từ của Trương Vĩnh Ký về vấn đề nhập quốc tịch Pháp
Thủ bút của Trương Vĩnh Ký gồm 18 trang, mở đầu bằng thư gửi Blancsubé (gần 2 trang), kế đến là bài phân tích về những bất lợi của đề án cho phép người An Nam nói chung gia nhập quốc tịch.
Ngay khi Trương Vĩnh Ký vừa qua đời, ngày 12 tháng 10 năm 1898 báo L’avenir du Tonkin đã công bố ba bức thư, một gửi cho ông Jules Blancsubé đề tháng 12 năm 1881 như đã nói bên trên, một gửi ông Romanet du Caillaud không đề ngày, và thư thứ ba đề ngày 15 tháng 10 năm 1888 gửi một người bạn ở Sơn Tây.
Sau đây chúng tôi xin dịch lại cả ba bức thư để độc giả có thêm thông tin và đồng thời để góp phần tìm hiểu về những suy nghĩ của Trương Vĩnh Ký. Riêng về bài phân tích những bất lợi của đề án gia nhập quốc tịch mà Blancsubé theo đuổi, vì bài khá dài nên chúng tôi không thể dịch lại ở đây.
Thư gửi ông Blancsubé
“Gửi Ông Blancsubé, dân biểu Nam kỳ, tháng 12(1) năm 1881
Thưa Ông Dân biểu,
Theo lời yêu cầu rạch ròi của ông về đề án nhập quốc tịch, tôi đồng ý gửi đến ông những thông tin được tôi gửi kèm theo thư này. Những kết luận của nghiên cứu này không phản ảnh tình cảm cá nhân của tôi, mà nó chỉ là sự suy luận lôgich từ thực tế và từ những định chế mà mọi người điều biết, và cũng là biểu hiện chính xác của tình cảm chung.
Thật vậy, ông cũng biết chính phủ Pháp đã mang lại cho cá nhân tôi những thuận lợi như thế nào, trong đó có vị trí của tôi. Và ông cũng biết rằng là một người ủng hộ tất cả những gì thuộc về tiến bộ và văn minh, tôi đã là người Pháp trong tim, và sẵn sàng trở thành người Pháp trong thực tế.
Nhưng đây lại không phải là ý kiến của nhiều người. Tôi nghĩ là phải tôn trọng sự thật, mặc cho các ý kiến cá nhân của tôi, bởi vì ông được yêu cầu phải cân nhắc về vấn đề quan trọng này, tôi vinh hạnh chỉ gửi đến ông những thông tin mà tôi xem là tuyệt đối chính xác, và hơn nữa lại là kết quả lôgich của định chế chính trị của chúng ta.
Thưa ông Dân biểu, xin ông nhận nơi đây lòng thành kính và tận tụy của tôi.
Trương Vĩnh Ký”
Ngay trong đoạn đầu bức thư, Trương Vĩnh Ký đã cho chúng ta biết ngay là phần tiếp theo là “những thông tin” được sử dụng trong một “nghiên cứu”(2) liên quan đến đề án nhập quốc tịch mà Blancsubé phải chuẩn bị để trình trước Viện Dân biểu ở Paris, với tư cách là dân biểu đầu tiên xứ Nam Kỳ.
Vì thế, đề án này nếu được thông qua sẽ có hiệu lực đối với mọi người dân xứ Nam kỳ nào đủ điều kiện, chứ không phải là thư từ chối của Trương Vĩnh Ký, mặc dù trong thư ông cũng gián tiếp cho thấy là ông không muốn nhập quốc tịch.
Thư gửi ông Romanet du Caillaud
F .Romanet du Caillaud (1847-1919) là luật sư đồng thời cũng là tác giả của một số đầu sách liên quan đến Đông dương. Có lẽ vì là luật sư nên ông quan tâm đến vấn đề nhập quốc tịch, và đã có trao đổi qua lại về vấn đề này với Trương Vĩnh Ký. Bức thư sau đây không đề ngày tháng, chỉ có thông tin ít ỏi về thời gian biên soạn là thư này hồi đáp lại Romanet du Caillaud viết ngày 29 tháng 7 mà thôi.
“Tôi đã nhận được thư đề ngày 29 tháng 7 của ông với số báo Union mà ông đã có nhã ý gửi cho tôi. Tôi đã thích thú đọc vấn đề mà ông đang bận tâm vì quyền lợi của người Pháp và người An Nam trên đất nước này. Xin phép ông cho tôi nói thực lòng, tôi tin rằng còn quá sớm đối với người An Nam khốn khổ của chúng tôi.
Chuyện ấy như thể là cho một đứa bé còn đang bú sữa mẹ những thức ăn cứng mà dạ dày của nó chưa đủ khả năng tiêu hóa: thay vì mang lại ích lợi, chúng sẽ gây ra sự khó tiêu hóa cho đứa trẻ. Có lẽ sẽ thận trọng khi cứ để các sự kiện diễn ra tự nhiên, mà không cần phải ép uổng.
Vì mỗi việc đều có thời điểm của nó: omnia tempus habent. Nếu quá hấp tấp, ta sẽ gây phiền phức, sẽ làm cho rối loạn, và sẽ làm sai lệch tiến trình tự nhiên. Sự việc thì không phải là vô tận, vì vậy hành động vừa đồng thời vừa tức thì là không thể.
Về việc này, sách Đại học của Khổng Tử có nói: ‘Vạn vật trong tự nhiên đều có một nguyên nhân và nhiều hậu quả, hành động của con người đều có một nguyên tắc và nhiều hệ lụy, biết được nguyên nhân và hậu quả, kiến thức và hệ lụy tức là đã tiến rất gần đến lý tính, là thứ mà nhờ nó người ta dần đạt đến sự hoàn thiện.’
Trước khi đi nhậm chức ở Viện Dân biểu, ông Blancsubé đã có nhã ý tham khảo ý kiến tôi về vấn đề này. Tôi đã giới thiệu với ông ấy một bài viết khá đầy đủ. Tôi xin gửi kèm theo thư này bản sao của ghi chép ấy và chỉ cho mình ông thôi. Tôi không muốn bài viết này được công bố. Đây là chuyện riêng tư.
Về phần tôi, thưa Ông Romanet du Caillaud, tôi chỉ quan tâm đến những ấn phẩm có thể góp phần liên kết quyền lợi của người Pháp và người An Nam, mà ngày nay thời cuộc đã đưa đẩy họ sống chung với nhau.
Vì thế, tôi dự định là qua công việc giáo huấn, sẽ ngày càng thắt chặt quan hệ của họ, bằng cách biến mối quan hệ ấy gần gũi và có lợi, và hy vọng rằng cuối cùng họ sẽ thương yêu nhau, quan tâm đến nhau khi kẻ yếu nương tựa vào người mạnh, người ít học nhờ cậy người học cao. Đó chính là mục tiêu mà tôi đang theo đuổi.
Tôi là một người chán chường và tôi hài lòng với việc rút vào vỏ ốc nhỏ bé, vừa để lặng lẽ hoàn thành vai trò khiêm tốn mà vị trí của tôi đã sắp đặt.
Điều đó không ngăn cản tôi nhân cơ hội này mà chân thành cám ơn ông đã quan tâm đến đất nước tôi, đến đồng bào của tôi, đến các Ky-tô hữu những người đồng đạo của tôi, họ là những người đã hội nhập sâu rộng nhất và có khả năng hội nhập lớn nhất do sự truyền bá đức tin của họ.
Vấn đề quan trọng nhất hôm nay, đó là vai trò của người Pháp ở An Nam. Nước An Nam đã chấm dứt thời kỳ biệt lập, nó cần phải tiến lên trên con đường chung của các dân tộc. Nhưng trước khi có thể sánh ngang vai cùng các dân tộc khác, nó cần phải được biến đổi. Đó chính là nhiệm vụ thiên định mà nước Pháp đang gánh vác vào lúc này.
Thế mà ở miền Bắc tình hình không yên tĩnh, Huế trơ ỳ không thể làm được gì. Cần phải nhanh chóng giải thoát nhân dân ra khỏi mọi tai ương. Vấn đề là phải tẩy sạch bọn Cờ đen: một cuộc truy quét nghiêm túc sẽ rất cần thiết.
Cuối cùng, tôi xin ông vui lòng tha thứ cho lời nói thẳng của tôi, và tin ở những tình cảm chân thành nhất của tôi.
P. Trương Vĩnh Ký.”
Vì thư này được báo L’Avenir du Tonkin giới thiệu dưới tiêu đề “Lettres de Trương Vinh Ky sur la naturalisation” (Những bức thư của Trương Vĩnh Ký về vấn đề nhập quốc tịch), nên chúng ta tin rằng nội dung thư này bàn về chủ trương cho phép người An Nam nhập quốc tịch Pháp, mặc dù trong thư không có chữ “naturalisation” nào.
Vì vậy, trong đoạn thứ hai của thư, Trương Vĩnh Ký có nhắc đến thư gửi Blancsubé chắc hẳn là bức thư đề tháng 12 năm 1881, trong đó ông có nói đến sự kiện Blancsubé đi nhậm chức dân biểu ở Paris (năm 1881) và bài phân tích của ông, với lưu ý là ông không muốn bài viết này được phát hành.
Điều đó có nghĩa là thư gửi Romanet du Caillaud được viết sau năm 1881. Vì muốn có thêm thông tin liên quan đến ngày viết thư này, chúng tôi đã tìm cách xác định báo Union là báo nào, và qua đó có thể biết thêm vấn đề mà hai ông quan tâm là vấn đề gì, nhưng rất tiếc là trung tâm lưu trữ tài liệu Gallica của Pháp chỉ có tờ báo L’Union: Recueil commercial et littéraire trong 3 năm 1837-1839 mà thôi, giai đoạn mà giữa hai nước chưa có quan hệ nào.
Thư gửi một người bạn ở Sơn Tây
Thư này đề ngày 15 tháng 10 năm 1888 (xem hình chụp), và không tiết lộ người bạn ở Sơn Tây là ai, nhưng Lê Thanh (1943, tr. 26) cho biết người bạn ấy là Pène Siefert, và lại đề ngày là 15 tháng 9 năm 1888.
Trong số ba bức thư, chỉ có thư này nói rõ việc từ chối dứt khoát việc gia nhập quốc tịch của ông, kèm theo là những lý do khiến ông từ chối. Cần lưu ý là thư này được viết hai năm sau khi ông không còn làm việc ở Huế nữa.
“15 tháng 10 năm 1888.
Người ta đã viết cho tôi liên tiếp ba bức thư khuyến khích tôi gia nhập quốc tịch (những bạn bè quan tâm đến số phận của tôi). Tôi đã từ chối thẳng thừng: 1o Tôi không thay đổi ý kiến; 2o khi làm như vậy tôi sẽ làm trái những nguyên tắc mà tôi đã nêu ra trong bài viết về sự không đúng lúc của biện pháp này, bài viết mà vị dân biểu Nam Kỳ đã yêu cầu tôi và Paris cũng đã biết, 3o có thể tôi bị xem là nhút nhát.
Có thể người ta sẽ nói rằng rồi thì đến lúc nào đó tôi cũng sẽ xin nhập quốc tịch thôi, vì sợ hiểm nguy và cũng để thoát khỏi tình thế khó khăn, 4o Tôi sẽ không bao giờ còn có ích cho nước Pháp mà tôi đang phục vụ và tôi phụ thuộc; vì, nếu nhập tịch, tôi sẽ mất hết mọi uy tín, mọi ảnh hưởng, và từ đây sẽ không còn sự tin tưởng của nhà Vua trong triều đình và của nhân dân An Nam, v.v.
Người bạn luôn luôn tận tâm và chân thành của bạn.
P. Trương Vĩnh Ký.”
Người Việt đầu tiên có nhiều bài viết trên tạp chí châu Âu
Năm 1863, khi tháp tùng phái đoàn Phan Thanh Giản đi Pháp, Trương Vĩnh Ký đã tận dụng thời gian để làm quen và tiếp xúc với giới khoa học Pháp. Trong biên bản phiên họp ngày 17 tháng 7 năm 1863 của Ban chấp hành Hội Địa lý Pháp có ghi lại việc học giả R. Cortambert thông báo Trương Vĩnh Ký đã đến Paris.
Ngay sau chuyến đi, Ban Biên tập tạp chí chuyên ngành Bulletin de la Société de Géographie (5e Série, Tome 6, tháng 7-12 năm 1863) của Hội Địa lý Pháp đã cho đăng bài báo của ông với tựa là “Notice sur le royaume de Khmer ou de Kambodje”, (tr. 326-332). Bài báo tuy chỉ là một phát họa tổng quát về vương quốc Campuchia nhưng nó đánh dấu bước khởi đầu của người Việt hội nhập với hoạt động khoa học của phương Tây.
Hai năm sau, tạp chí Revue Orientale et Américaine số 10 (1865) có đăng bài “Oraison funèbre cochinchinoise prononcée par le général Nguyên-Phuoec” (tr.256-262) mà trong thư giới thiệu gửi Cortambert, Trương Vĩnh Ký cho biết là ông đã dịch nguyên văn từ một điếu văn của tướng Nguyễn-Phước (?) đọc trong buổi tưởng nhớ các chiến sĩ đã hy sinh trong công cuộc bình định vùng đất trải dài từ Sài Gòn về phía Campuchia dưới thời vua Gia Long.
Trong nhiều danh sách các trước tác của Trương Vĩnh Ký, bài viết này chưa được liệt kê ra.
Gần 15 năm sau, ông đã gửi một bài báo dài tựa là “Institutions et Moeurs annamites” (Các định chế và phọng tục của người An Nam), được đăng trên 4 số liên tục của tạp chí La Philosophie positive do học giả E. Littré chủ biên:
– Vol. 23, No 3 Nov-Dec 1879, tr. 401-413;
– Vol. 24, No 4 Jan-Fév 1880, tr. 117-127;
– Vol. 24, No 5 Mar-Avr, tr. 256-272;
– Vol. 25, No 1 Juil-Déc 1880, tr.102-117.
Sau đó, cũng trên tạp chí này, ông có bài viết “Croyance sur l’âme et la mort” (Tín ngưỡng về linh hồn và cõi chết [của người Việt]) được đăng trong Vol. 26, No 4 (Janv-Juin 1881), tr. 128-135. Sắp tới, nếu còn thời gian, chúng tôi sẽ giới thiệu chi tiết về các bài báo này để độc giả có cái nhìn tổng quát hơn về Trương Vĩnh Ký.
Người Việt đầu tiên được báo chí Anh giới thiệu tiểu sử
Trong phần tin vắn thế giới của tờ báo Illustrated London News (số ra ngày 29 tháng Tám năm 1863 tại Anh) trên trang 206 có đưa tin về việc Trương Vĩnh Ký đặt chân đến Pháp, trong đó có đoạn viết giới thiệu sơ lược tiểu sử của Trương Vĩnh Ký:
“Trong số những người tháp tùng theo đoàn sứ giả An Nam đến Pháp, viên thông ngôn chính, Trương Vĩnh Ký đáng để có một thông báo đặc biệt. Người châu Âu gọi ông ta là Petrus, vì ông ấy theo đạo Thiên Chúa, và được rửa tội với tên này. Ông sinh ra trong một gia đình nghèo. ở tỉnh Vĩnh Long.
Cha ông là quân nhân và đã nằm xuống trong cuộc viễn chinh chống nước Chân Lạp, bỏ lại mẹ ông và hai con nhỏ phải nuôi dưỡng, nhưng bà vẫn cho ông đến trường bản xứ, ở đó ông học đọc. Sau đó một tu sĩ người Pháp đã để ý đến ông, và gửi ông sang Campuchia để học tiếng la-tinh.
Các nhà truyền giáo ở đó đã phát hiện tài năng của ông và cho ông giấy nhập học tại chủng viện ở Poulo-Pinang, nơi mà ông đã có nhiều thành quả xuất sắc trong học tập. Ông đã đạt nhiều giải thưởng lớn về toán học và triết học, và cũng đã biên soạn một luận văn bằng tiếng la-tinh về thánh linh của Jesus Christ.
Viên toàn quyền Poulo-Pinang rất đỗi kinh ngạc về luận văn này đến độ ông đã gửi một bản sao cho Đại học Oxford, và thưởng cho tác giả trẻ này 150 rupees. Lúc rời chủng viện, Petrus quay về với Giám mục Isauropolis(3) và tiếp tục việc học thêm 2 năm nữa. Sau khi đã suy nghĩ chín chắn, ông đi đến kết luận là ông không có thiên bẩm về hoạt động truyền giáo, và xin ra khỏi giáo đoàn.
Đầu tiên ông được nhận làm thông ngôn cho chính phủ dưới quyền của Phó Đô đốc Rigault de Genouilly; kế đến ông trở thành thư ký ở Soái phủ Sài Gòn, rồi sau đó là thông ngôn cho ban tham mưu của Phó Đề đốc Bonard, và cuối cùng là được bổ nhiệm làm giám đốc trường thông ngôn.
Ông Petrus chưa tròn 25 tuổi. Ngoài tiếng Việt mẹ đẻ, ông còn viết và nói chuẩn xác được tiếng la-tinh, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Anh, tiếng Trung Hoa, tiếng Mã Lai, tiếng khmer, và tiếng Xiêm. Ông không chỉ là một học giả hoàn hảo, mà còn là một người lịch duyệt, và rất sành sỏi về tập quán châu Âu.”
Điều đáng suy nghĩ là bài báo này đã dành nhiều lời khen tặng Trương Vĩnh Ký ngay lúc khi ông chưa tròn 25 tuổi, mặc dù người Anh không có lợi ích gì liên quan đến sự hiện diện của ông trên đất Pháp. Điều này cho phép ta tin ở sự khách quan của họ.
Người Việt đầu tiên được giới thiệu trong từ điển
Như tên gọi của nó, Dictionnaire universel des Contemporains là từ điển giới thiệu các nhân vật nổi tiếng đương thời trên thế giới, được Hachette xuất bản tại Paris. Lần xuất bản thứ ba năm 1865, từ điển này đã giới thiệu Trương Vĩnh Ký lúc ấy ông mới 27 tuổi, ở mục từ PETRUS (tr. 1411) như hình bên dưới:
Gần 10 năm sau, bộ đại từ điển nhiều tập Grand dictionnaire universel du XIXe siècle…, do Larousse xuất bản năm 1874 cũng đã giới thiệu Trương Vĩnh Ký trong tập 12, tr. 729, theo cách xếp thứ tự bảng chữ cái theo tên thánh của ông (Petrus).
Điểm đặc biệt là trong lần tái bản năm 1880, nội dung giới thiệu tiểu sử của Trương Vĩnh Ký không có bổ sung gì, mặc dù ông đã được tạp chí Le Biographe giới thiệu trong số 18 nhân vật được giới thiệu trong quyển I, kỳ 4 năm 1874.
Điều đó cũng gián tiếp cho thấy rằng sự tung hô “Thế giới thập bát văn hào” của các cây bút Việt Nam là quá đà, có lẽ là bắt đầu từ Đặng Thúc Liêng với quyển Trương Vĩnh Ký hành trạng (1927) do nguồn thông tin không đầy đủ, rồi sau đó hàng loạt cây viết khác đã dựa vào đó mà viết theo, vì không có điều kiện kiểm chứng (Trần Thanh Ái, 2017).
Thay lời kết
Có lẽ quá thừa thải khi nói rằng để hiểu biết một con người thì cần phải có tri thức, có trình độ nhất định. Và nhất là khi con người ấy lại là bậc học giả uyên bác như Trương Vĩnh Ký thì lại càng cần phải có tri thức và trình độ tối thiểu như thế nào đó để hiểu được những suy nghĩ và hành động của ông, nếu không muốn rơi vào cảnh “thằng mù tả voi”.
Nếu các phê phán dựa trên định kiến lỗi thời về chính trị và tôn giáo cuối cùng rồi cũng sẽ chỉ để lộ nhược điểm của người phê phán, thì các lời ngợi ca quá đà, không bằng chứng sẽ vừa để lộ cho độc giả thấy sự cẩu thả và mù quáng của mình, vừa gây ra tác dụng ngược.
Chúng ta đã trải qua gần 50 năm sống trong một đất nước thống nhất, có khá đủ thời gian và kinh nghiệm để nhìn lại và suy xét cẩn trọng nhiều khía cạnh chính trị – xã hội, thì không thể cứ tiếp tục lặp lại một cách thiếu kiểm chứng những gì mà nhiều tác giả đã viết trong những thập kỷ trước đó.
Nói như một nhà văn, “núi cao (thì) mây phủ”, do đó muốn quan sát đỉnh núi thì phải nâng mình lên đến một độ cao nào đó mới mong nhìn thấy được núi. Bài viết này nhằm góp thêm một phần nhỏ bé để chúng ta cùng nâng mình lên một chút để nhìn thấy xa hơn, cao hơn.
(Bài đã đăng trên tạp chí Xưa & Nay, tháng 11 năm 2022) – Cập nhật bởi tayninhfood.com
Thảo luận về bài viết